Xuất bản và đón nhận Rắn và khuyên lưỡi

Tại Nhật Bản

Rắn và khuyên lưỡi đã giành chiến thắng tại Giải thưởng Văn chương Subaru (すばる文学賞, Subaru Bungakushō?) năm 2003 cho hạng mục các tác phẩm chưa được xuất bản.[7] Tháng 11 cùng năm, tác phẩm được đăng lần đầu trên tạp chí văn học Shōsetsu Subaru.[8] Đến tháng 1 năm 2004, Rắn và khuyên lưỡi giành giải Akutagawa lần thứ 130.[8] Cùng với Wataya Risa cho tác phẩm Keritai Senaka, Kanehara Hitomi đã trở thành người trẻ tuổi nhất đoạt giải tại giải thưởng văn học này (lần lượt 20 tuổi và 19 tuổi).[9] Thành viên của hội đồng chấm giải là Murakami Ryu khen ngợi tác phẩm là một "bức tranh cơ bản về thời đại của chúng ta", đồng thời mô tả rõ nét "những gì xuất hiện trong tâm trí của những người phụ nữ trẻ trong xã hội ngày nay".[10]

Tại lễ trao giải Akutagawa, Kanehara Hitomi đã xuất hiện trong diện mạo "một chiếc áo hở vai, cắt xẻ với dây đeo áo lộ bra, một chiếc váy ngắn xòe, đi giày cao gót, mặc tất nylon đến giữa đùi, đeo nhiều khuyên và mang kính áp tròng màu ánh xám".[3]:453 Báo chí đưa tin về sự kiện đã nhấn mạnh sự đối lập giữa vẻ trẻ trung, bụi bặm đường phố của Hitomi với phong cách thời trang "kín đáo và cổ lỗ sĩ" của Wataya Risa.[11] Những cuộc phỏng vấn và ảnh chụp hai tác giả thắng cuộc không những xuất hiện trên các phương tiện truyền thông quốc gia của Nhật Bản, mà còn xuất hiện trên các ấn bản nước ngoài như GQCosmopolitan cùng các ấn phẩm có khuynh hướng người lớn như Weekly Playboy.[3] Trong các cuộc phỏng vấn, Hitomi thường kể về những khó khăn trong cuộc sống cá nhân, ý định tự tử và tự làm hại bản thân của cô, củng cố nhận thức rằng Hitomi là một người kể chuyện chân thực của văn hóa thanh thiếu niên Nhật Bản.[5]

Việc hình ảnh của Kanehara Hitomi được "thương mại hóa theo cách chưa từng có" đã đặt ra nhiều dấu hỏi cho giá trị thực sự bên trong tác phẩm mà chính cô mang lại.[3]:458 Các nhà phê bình cho rằng việc Rắn và khuyên lưỡi đoạt giải chủ yếu nhằm mục đích quảng bá tác phẩm đến với những đối tượng độc giả trẻ, và điều này là minh chứng cho những tiêu chuẩn văn chương đang ngày càng suy giảm. Tuy nhiên, nhiều chỉ trích vẫn nhắm vào Hitomi hơn thay vì nhắm vào tác phẩm.[11] Trong một bài phê bình bằng tiếng Anh cho hai tác phẩm đoạt giải Akutagawa, Janet Ashby từ tờ The Japan Times chê bai "yếu tố định kiến giới" trong quá trình mà truyền thông thổi phồng hai nữ nhà văn, cũng như cho rằng cả hai sáng tác "có một chút gì đó gây thất vọng". Riêng Rắn và khuyên lưỡi, nhà phê bình này cho rằng tác phẩm có "cái kết nhìn chung là không hài lòng".[12]

Sau khi giành giải thưởng Akutagawa, Rắn và khuyên lưỡi được tái bản cùng với tác phẩm của Wataya Risa trên tạp chí văn học Bungeishunjū.[13] Tác phẩm cũng được công ty xuất bản Shueisha tái bản dưới dạng sách in.[14] Chỉ trong 3 tháng sau khi đoạt giải, tạp chí Bungeishunjū đã bán ra tổng cộng 1,1 triệu ấn bản từ các tác phẩm đoạt giải, riêng Rắn và khuyên lưỡi đã bán ra hơn 500.000 bản.[3] Báo chí lúc bấy giờ lưu ý rằng tuy nhiều đàn ông trung niên đã mua tác phẩm của Kanehara Hitomi, nhưng họ yêu thích ấn bản tạp chí hơn là ấn bản sách, vì bìa sách chủ yếu được thiết kế để thu hút độc giả nữ.[11] Doanh số xuất bản cao bất thường và sự quan tâm lớn của truyền thông xung quanh tác phẩm cũng nhận được sự quan tâm lớn từ truyền thông quốc tế. Một bài viết trên tờ The New York Times đã mô tả quyển sách là "một bức tranh mạnh mẽ về một thế hệ sống trong thời kỳ hậu bong bóng".[13]

Ấn bản tiếng Anh

Ngay sau khi Rắn và khuyên lưỡi phát hành tại Nhật Bản, công ty E. P. Dutton đã mua được bản quyền phát hành tác phẩm bằng tiếng Anh.[15] Năm 2005, bản dịch tiếng Anh của tác phẩm với tên Snakes and Earrings, do David Karashima dịch, được E. P. Dutton phát hành tại Mỹ; Vintage Books chịu trách nhiệm xuất bản ở Anh.[16] Tác phẩm nhận được các đánh giá nhìn chung tích cực. Trang Kirkus Reviews khen ngợi tác phẩm "gây ấn tượng mạnh mẽ và tạo nên cảm giác lo sợ";[17] Marie Claire thì cho rằng tác phẩm "gây mê hoặc",[18] trong khi trang The Village Voice xem Rắn và khuyên lưỡi là "một cú sốc khó khăn về tinh thần vô nghĩa của Tokyo".[19] Viết cho tờ The Guardian, Maya Jaggi khen ngợi tác phẩm là "một cuốn tiểu thuyết về sự cô lập gây sốc nhưng không gây hoảng hốt quá mức", đồng thời cho rằng nó "mang lại nhiều giá trị hơn là sự quan tâm từ công chúng".[20]

Các đánh giá khác về bản dịch tiếng Anh của tác phẩm cũng thừa nhận tầm quan trọng to lớn của Rắn và khuyên lưỡi trong địa hạt văn chương Nhật Bản đương thời. Viết trên tờ Financial Times, Andrew Lee ấn tượng với cách mà Kanehara Hitomi mô tả văn hóa thanh thiếu niên Nhật Bản, khẳng định tác phẩm "đơn giản, mạch lạc một cách sâu sắc", đồng thời ví Rắn và khuyên lưỡi như một hình mẫu của xu hướng văn hóa đang nâng tầm các nữ sinh trung học lên vị thế biểu tượng như geisha trong văn hóa Nhật Bản.[21] Viết trên tờ The Independent, Victoria James, cựu biên tập viên của tờ Japan Times, đã xếp Rắn và khuyên lưỡi vào một nhóm chung với các tác phẩm của Sakurai Ami và Akasaka Mari, không phủ nhận chất lượng của tác phẩm nhưng cũng bày tỏ sự hoài nghi về bất kỳ tác động lâu dài nào của nó đối với vấn đề tình dục ở những người phụ nữ trẻ.[22]

Những lời phê bình về Rắn và khuyên lưỡi trong ấn bản tiếng Anh đều liên quan đến độ dài cũng như phần kết của nó. Trong khi những đánh giá khen ngợi tập trung vào sự phát triển nhân vật xuất sắc của Kanehara Hitomi, thì bài đánh giá của Prudence Peiffer trên Library Journal nhận thấy "cái kết vội vàng" của tác phẩm khá dễ đoán, với việc bản thân tác phẩm thiếu sót cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.[23] Viết cho Artforum, Christine Thomas cũng cho rằng Hitomi có khả năng "quan sát một cách nhạy bén về thực tế cuộc sống hàng ngày", nhưng cũng đồng thời cho rằng cái kết là gượng ép, thiếu tự nhiên khi cố gắng tìm kiếm sự chuộc tội cho bản thân nhân vật chính.[24] Karen Karbo của tạp chí Entertainment Weekly so sánh Rắn và khuyên lưỡi với Less than Zero của Bret Easton Ellis cho rằng phần kết "vừa lạnh lẽo, buồn bã, vừa đầy cảm xúc". Tuy nhiên, nhà phê bình này cũng đặt câu hỏi về tính sáng tạo của tác phẩm.[25]

Tại Việt Nam

Tại Việt Nam, tác phẩm được Nhà xuất bản Văn học phát hành vào năm 2009 với tên Rắn và khuyên lưỡi, do dịch giả Uyên Thiểm dịch sang tiếng Việt. Báo điện tử VnExpress cho rằng tác phẩm "là câu chuyện về nỗi đau và sự bi quan".[26] Phạm Thùy Linh của báo Pháp luật Việt Nam khen ngợi "những cảnh sinh hoạt trai gái, quan hệ nam nữ cũng được miêu tả trần trụi nhưng không hề dung tục". Cô khẳng định Rắn và khuyên lưỡi "không đơn thuần là sex và chuyện ăn chơi của giới trẻ lang thang trong xã hội Tokyo, mà còn là sự lên án xã hội đã đẩy họ lạc bước vô định trong cuộc đời không rõ tương lai".[27]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Rắn và khuyên lưỡi https://doi.org/10.1353%2Fcul.2007.0004 https://doi.org/10.1080%2F09555803.2011.617460 https://api.semanticscholar.org/CorpusID:145804532 https://api.semanticscholar.org/CorpusID:145255874 https://www.jstor.org/stable/24891980 https://www.theguardian.com/books/2005/may/30/japa... https://www.theguardian.com/books/2005/jul/16/feat... https://web.archive.org/web/20190207234701/https:/... https://web.archive.org/web/20180731103735/http://... https://web.archive.org/web/20190130053449/https:/...